15 Tháng 01, 2025
Đang tải...
30 Tháng 06, 2023
Chúng ta từ lâu đã quen thuộc với cụm từ "Inox", thường gặp ở các đồ dùng nhà bếp, vòi rửa, chậu rửa… Thế nhưng Inox thật ra là gì thì không phải ai cũng biết.
Thép không gỉ (tiếng Anh: Stainless steel) thường được gọi là Inox ở Việt Nam. Nguồn gốc của tên gọi này là cụm từ "inoxydable" (không bị oxy hóa) theo tiếng Pháp.
Trong lĩnh vực luyện kim, thép không gỉ được định nghĩa là một hợp kim thép, có hàm lượng crom tối thiểu 10,5% theo khối lượng và tối đa 1,2% cacbon theo khối lượng. Sự tham gia khác nhau của các thành phần bao gồm crom, niken, mô-lip-đen, nitơ dẫn đến các cấu trúc tinh thể khác nhau tạo ra tính chất cơ lý khác nhau của thép không gỉ.
Dẫu vậy, khả năng nổi bật nhất của thép không gỉ là chống ăn mòn. Điều này xảy ra do bề mặt của inox hình thành 1 lớp màng oxit crom thụ động bên ngoài để ngăn chặn sự ăn mòn bề mặt cũng như ăn mòn sâu vào bên trong cấu trúc của kim loại.
Lớp oxit này tự bản thân chúng có thể được "vá lại" trong trường hợp bị trầy xước hoặc bị cắt. Để làm được điều này, lớp màng oxit thụ động nói trên cần được cung cấp oxy. Vì vậy, thép không gỉ hay inox sẽ có khả năng chống ăn mòn kém hơn trong môi trường có oxy thấp.
Từ khả năng chống ăn mòn của thép không gỉ, kết hợp với độ bền và độ bóng cao, đã khiến nó trở thành vật liệu lý tưởng cho nhiều ứng dụng đòi hỏi cả cường độ của thép và chống ăn mòn trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống.
Cụ thể, thép không gỉ có thể được cuộn thành tấm, thanh, sợi hay ống - được sử dụng trong sản xuất dụng cụ nấu ăn, dao kéo, dụng cụ phẫu thuật, hay làm bể chứa hóa chất. Ngoài ra, inox cũng là vật liệu xây dựng quan trọng trong các tòa nhà lớn hay đóng vai trò như thiết bị công nghiệp trong các nhà máy giấy, nhà máy hóa chất, xử lý nước, chế biến thực phẩm...